LỄ HỘI ĐUA BÒ BẢY NÚI – AN GIANG: NHÌN TỪ KHÍA CẠNH TRI THỨC BẢN ĐỊA Ngô Văn Lệ, Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 1(8) – 2013, Tr.43-50.

Người Khmer là tộc người ít người trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, địa bàn cư trú chủ yếu ở Nam Bộ. Trong quá trình sinh sống ở Nam Bộ, người Khmer đã sáng tạo một phức hợp văn hóa làm nên sự khác biệt về văn hóa so với các cộng đồng cư dân khác cư trú trên vùng đất này. Quá trình cộng cư và cùng chung một vận mệnh lịch sử, giữa các tộc người đã dẫn đến giao lưu văn hóa, hình thành những nét văn hóa chung của một vùng sông nước, làm nên một nền “văn minh sông rạch”. Nét tiêu biểu nhất trong sinh hoạt văn hóa của người Khmer là có nhiều lễ hội diễn ra trong năm. Ngoài những lễ hội truyền thống như Chol Chnam Thmay, Sen Đôn Ta, Oóc Om Bóc…, còn có những lễ hội gắn liền với giai đoạn lịch sử đương đại. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận lễ hội đua bò Bảy Núi không theo diễn trình của lễ hội, mà nhìn từ tri thức bản địa của một cộng đồng cư dân, mà ở đây là người Khmer, từ đó chỉ ra rằng, trong quá trình định cư lâu dài trên vùng đất Nam Bộ, người Khmer, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống, đã sáng tạo những giá trị văn hóa mới nhờ tích lũy những tri thức trong bối cảnh của môi trường tự nhiên và xã hội mới.