TÀI LIỆU ĐH THỦ DẦU MỘT
Danh mục TaiLieu.VN
Tính đúng đắn trong việc triển khai đồng bộ cho tất cả các khối ngành.
CDIO(Conceive – hình thành ý tưởng; Design – thiết kế ý tưởng; Implement – thực hiện; Operate – vận hành) là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra (CĐR) để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO nhằm đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kĩ năng, thái độ, năng lực. Bản chất và đặc điểm của cách tiếp cận theo quy trình CDIO là cách tiếp cận phát triển dựa vào kết quả đầu ra và hướng vào giải quyết hai câu hỏi trung tâm: Sinh viên ra trường cần phải đạt được tri thức, kĩ năng và thái độ gì? Cần hải làm như thế nào để sinh viên ra trường có thể đạt được các tri thức, kĩ năng và thái độ đó ? Từ hai vấn đề lớn này đòi hỏi giảng viên phải xây dựng chương trình giảng dạy đáp ứng hai câu hỏi lớn:Dạy cái gì? Dạy như thế nào?
Năm học 2014-2015, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO đồng bộ cho tất cả các nhóm ngành. Lãnh đạo nhà Trường luôn quan tâm tạo điều kiện Giảng viên Đại học Thủ Dầu Một cập nhật kiến thức và thông tin hữu ích về các giải pháp mới, góp phần xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao, thích nghi với thực tiễn của thị trường lao động. Nhà trường quyết tâm tổ chức các khóa đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo, giảng viên cũng như những cán bộ phục vụ trong công tác đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO một cách bài bản bởi các giảng viên cũng cần học tập nghiên cứu và được đào tạo về CDIO một cách nghiêm túc để có thể truyền tải một cách tốt nhất các chuẩn đầu ra mà khung chương trình đã đề ra.
Sau gần 1 học kỳ triển khai, từ những kinh nghiệm đúc kết, ban đề án triển khai CDIO của Nhà Trường ngày càng hoàn thiện. Việc áp dụng mô hình CDIO vào chương trình đào tạo: Công nghệ thông tin, Điện Điện tử, Kiến trúc- đô thị, môi trường, luật, công tác xã hội, kinh tế đã và đang gấp rút được thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả hết sức khả quan. Đây là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn của Nhà trường trong việc lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thời gian sắp đến, Trường sẽ tiếp tục áp dụng mô hình này vào việc xây dựng các chương trình đào tạo ở các khối ngành còn lại tùy theo tính chất của từng chuyên ngành nhằm phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực cần thiết cho sinh viên.
Trao đổi với chúng tôi về băn khoăn của dư luận khi cho rằng CDIO là chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật, việc triển khai áp dụng cho toàn thể các khối ngành kể cả ngành khoa học xã hội có phải là bất cập?. TS. Ngô Hồng Điệp- Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Thủ Dầu Một khẳng định: “ Về bản chất cần phải khẳng định rằng CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Đối với Đại học Thủ Dầu Một, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận CDIO chứ không áp dụng nguyên mô hình CDIO để xây dựng, phát triển và tổ chức chương trình đào tạo. Tiếp cận trước tiên được hiểu là về phương pháp tổng thể, tức là xuất phát từ năng lực cốt lõi của ngành để từ đó xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo.Thứ 2, CDIO là một mô hình mở cung cấp các hướng dẫn cụ thể về qui trình và các hướng dẫn cụ thể xây dựng, tổ chức và đánh giá chương trình đào tạo và qui trình này mang tính chung hóa cao có thể áp dụng cho nhiều ngành khác nhau nên hoàn toàn có thể thích ứng cho các chương trình đào tạo ngành kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Thực tế đang chứng minh rằng chúng tôi đã và đang sử dụng cách tiếp cận này và có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển, tổ chức và đánh giá chương trình đào tạo đứng hướng”.
Quyết tâm riển khai thực hiện theo lộ trình bài bản
Xét trên tầm vĩ mô thì việc áp dụng cách tiếp cận CDIO sẽ góp một phần vào việc giải bài toán “chất lượng giáo dục đại học” hiện nay. Thực tế ở các đại học thuộc các quốc gia phát triển và đang phát triển đã chứng minh việc áp dụng phương pháp hay cách tiếp cận CDIO sẽ gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; giúp người học phát triển toàn diện, nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và thậm chí là đi đầu trong việc thay đổi đó.
Ngay từ ban đầu Nhà trường chủ trương việc xây dựng chương trình theo cách tiếp cận CDIO phải bài bản bắt đầu từ khâu chuẩn bị. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình kiểu mẫu phải làm sao thiết kế chương trình cho phù hợp với những điều kiện tại Việt Nam đặt trong bối cảnh xã hội và kinh tế/kinh doanh của Bình Dương, vùng Đông Nam bộ và Việt Nam. Mặt khác, việc ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới cũng đòi hỏi chúng ta cũng cần bắt nhịp và có những điểm chung với thế giới.Mỗi một môn học trong một chương trình đào tạo sẽ đóng góp một phần nhất định trong việc đạt được một phần chuẩn đầu ra của chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận CDIO. Điều này đòi hỏi từng giảng viên phải tuân theo các chuẩn mực nhất định của chương trình và có những cam kết về việc truyền tải chuẩn đầu ra trong môn học do mình phụ trách. Các chuẩn đầu ra này được công bố và vào cuối môn học được đánh giá bởi sinh viên và các bên liên quan.
Thuận lợi lớn nhất và quan trọng nhất của Đại học Thủ Dầu Một là sự tiên phong và tầm nhìn lãnh đạo Trường. Chính sự quyết tâm cao trong việc triển khai trong các khối ngành cũng như quyết tâm học hỏi những kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai và áp dụng cách tiếp cận CDIO tại các trường đi trước là một bước tiến lớn đối với Trường Đại học còn non trẻ. Đến thời điểm này, trong nhận thức về đề xướng CDIO đã tạo ra sự đồng thuận và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các giảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên và cả sinh viên trong quá trình triển khai thực hiện.
TS. Nguyễn Văn Hiệp- Hiệu Trưởng Đại học Thủ Dầu Một - Trưởng ban đề án xây dựng chương trình CDIO Nhà trường nhấn mạnh:“Việc áp dụng cách tiếp cận CDIO đòi hỏi có những điều kiện cơ bản về mặt cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của trường học, đội ngũ giảng viên, nhân viên đáp ứng được những tiêu chuẩn của CDIO và phải có một hệ thống quy trình xử lý chuẩn và thống nhất để đảm bảo sự thành công của chương trình. Tuy nhiên chúng tôi xác định, điều kiện tiên quyết đầu tiên là sự tâm huyết, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý theo hướng đổi mới khung chương trình đào tạo (trong đó có thể gồm cả việc thay đổi cả những môn bắt buộc được quy định hiện nay) khi áp dụng cách tiếp cận CDIO. Chúng tôi không quá đặt nặng vấn đề khó khăn, thách thức mà hãy xem đây là cách chúng ta hệ thống hóa lại một cách bài bản các công việc mà cách giảng dạy truyền thống đã làm trước đó. Xác định như vậy chúng ta sẽ không thấy quá áp lực, khó khăn hay phụ thuộc về tài chính…”.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng cần 4 năm để thực hiện một chương trình đào tạo (kể từ khi sinh viên nhập học đến khi tốt nghiệp), sau đó cần thêm 2 năm để có thể đánh giá kết quả của những sinh viên đó khi họ đã ra trường và làm việc trong một tổ chức. Do vậy, về cơ bản cần từ 5 - 7 năm để đánh giá hiệu quả của chương trình. Đây không phải là khoảng quá dài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học.
Việc triển khai mô hình CDIO của Đại học Thủ Dầu Một đang còn ở giai đoạn ban đầu. Và để đánh giá được hiệu quả của chương trình còn ở vấn đề thời gian nhưng trước mắt chương trình đã đem đến cho giảng viên, đặc biệt với đội ngũ giảng viên trẻ như Đại học Thủ Dầu Một sự hứng khởi, mong muốn thử nghiệm, học hỏi và áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế.